Tưởng tuyệt chủng gần 30.000 năm bỗng 'thò mặt' sống khỏe ở California

Các nhà khoa học đã rất sửng sốt khi phát hiện một loài ngao (nghêu) chỉ được biết đến qua hóa thạch 28.000 năm tuổi bỗng xuất hiện và sống khỏe mạnh trên bờ biển California, Mỹ.

Tưởng tuyệt chủng gần 30.000 năm bỗng thò mặt sống khỏe ở California - Ảnh 1.

Hình ảnh một con ngao Cymatioa cooki được nhà sinh thái biển Jeff Goddard (Đại học California Santa Barbara) phát hiện – Ảnh: Valentich-Scott

Theo Sciencealert, loài ngao này được gọi là Cymatioa cooki, được nhà sinh thái biển Jeff Goddard (Đại học California Santa Barbara) phát hiện lần đầu tiên vào năm 2018 trong một lần đi dọc bờ biển.

Trong khi đang đi quanh bờ biển để tìm kiếm sên biển và các động vật không xương sống khác về nghiên cứu, Jeff Goddard bỗng phát hiện “hai đốm trắng kỳ lạ”.

“Chúng chỉ dài 10 milimet, không có gì nổi bật cả, nhưng khi chúng vươn dài thân ra và bắt đầu khua khua phần chân màu trắng sáng dài hơn mai, tôi nhận ra mình chưa từng thấy loài này trước đây”, Jeff Goddard nhớ lại.

Nhà sinh thái biển Goddard đã chụp một số bức ảnh và chuyển chúng cho Paul Valentich-Scott, chuyên gia nghiên cứu động vật thân mềm tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Santa Barbara. Nhưng ngay cả Valentich-Scott cũng không thể nhận diện được loài ngao này. Họ cần thêm một mẫu vật.

Nhưng khi Goddard quay lại biển thì chúng đã biến mất. Phải mất nhiều tháng và nhiều lần thủy triều xuống sau đó, Goddard mới bắt được một con ngao nhỏ khác.

Trong nhiều năm sau đó, họ vẫn không thể nào xác định được đây là loài ngao nào.

Bí ẩn về loài sinh vật mới đã thôi thúc các nhà khoa học tìm kiếm nó.

Họ truy ngược lại tất cả các tài liệu khoa học từ năm 1758 đến nay. Trong quá trình tìm kiếm chuyên sâu này, các nhà khoa học đã tìm thấy một hình minh họa về một con ngao hóa thạch được vẽ vào năm 1937 giống hệt con ngao bắt được hiện tại.

Tưởng tuyệt chủng gần 30.000 năm bỗng thò mặt sống khỏe ở California - Ảnh 2.

Đây là mẫu hóa thạch Cymatioa cooki được ghi chép năm 1937 – Ảnh: Valentich-Scott

Một phụ nữ sống ở Baldwin Hills của Los Angeles thời đó, tên là Edna Cook, đã vẽ mẫu vật và được các nhà khoa học phân loại là Bornia cooki (tên chi hiện đã được đổi thành Cymatioa). Mẫu vật khảo cổ này có niên đại từ 28.000 đến 36.000 năm tuổi, tương đương thời điểm cuối kỷ Pleistocen, khi mực nước biển vẫn còn ở sâu hơn trong đất liền.

Khi Valentich-Scott so sánh mẫu vật thực tế của bảo tàng và hình vẽ hóa thạch năm 1937, ông nhận ra có sự trùng khớp hoàn hảo. Đây là cùng một loài ngao mà nhà sinh thái biển Goddard đã tìm thấy ở mũi Napoli, ngay trên bờ biển Santa Barbara.

“Việc tìm thấy một loài tưởng như đã tuyệt chủng, chỉ còn biết đến trong hồ sơ hóa thạch, còn sống khỏe mạnh không phải là chuyện phổ biến, đặc biệt là ở một khu vực được nghiên cứu kỹ lưỡng như nam California”, Jeff Goddard cho biết.

Trong công bố gần đây trên tạp chí ZooKeys, các nhà khoa học cho biết hiện vẫn không ai thực sự biết môi trường sống của những con ngao này là gì, hoặc tại sao chúng đã biến mất khỏi California nhưng lại xuất hiện trở lại.

Một giả thuyết cho rằng những “hóa thạch sống” này chỉ mới quay trở lại khu vực thời gian gần đây. Chúng di chuyển nhiều nơi dạng ấu trùng, tùy thuộc vào nhiệt độ trên biển.

Theo Minh Hải

https://tuoitre.vn/tuong-tuyet-chung-gan-30-000-nam-bong-tho-mat-song-khoe-o-california-20221120081651667.htm

889 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Hộp thư góp ý

Cổng thông tin Chuyển đổi số Bình Thuận

Chuyển đổi số

Liên kết website

Thông tin cần biết