Samsung đóng cửa nhà máy, thành phố Trung Quốc như thành phố ma

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung căng thẳng buộc Samsung phải tháo chạy khỏi Trung Quốc. Với thành phố Huệ Châu thuộc tỉnh Quảng Đông, đó là một cú sốc thật sự.

Samsung đóng cửa nhà máy, thành phố Trung Quốc như thành phố ma - Ảnh 1.

Khoảng 60% cửa hàng gần nhà máy Samsung đã đóng cửa kể từ tháng 10 năm nay – Ảnh chụp màn hình SCMP

Nhà máy lắp ráp điện thoại thông minh rộng 120 ngàn mét vuông của Samsung được ví như trái tim cung cấp máu sống cho cả Huệ Châu trong suốt 3 thập kỷ. Li Bing, chủ một nhà hàng gần nhà máy Samsung là một trong những người được hưởng lợi.

Nhà hàng của bà Li mỗi tháng có thể kiếm từ 60 ngàn hoặc 90 ngàn nhân dân tệ nhờ vào nguồn khách là các nhân viên và đối tác Samsung. “Giờ thì mỗi ngày giỏi lắm cũng chỉ kiếm được vài trăm nhân dân tệ, được 2 hoặc 3 bàn có khách”, bà Li thở dài chán nản.

Công nhân làm việc cầm chừng

Khi Samsung đặt nhà máy ở Huệ Châu năm 1992, rất ít người nghĩ rằng một khi tập đoàn Hàn Quốc rời đi sẽ để lại khoảng trống lớn như hiện tại.

Theo báo South China Morning Post (SCMP), trong thời gian hoạt động tại Huệ Châu, Samsung đã xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng tại Quảng Đông và các tỉnh lân cận nên khi nhà máy này đóng cửa, một loạt công ty khác cũng lao đao theo.

Janus Intelligent Group, một công ty chuyên về robot lắp ráp của Trung Quốc, đã buộc phải sa thải bớt nhân viên và hoạt động cầm chừng sau khi Samsung rời đi.

Vài năm trước, số lao động tại Janus có lúc lên tới hơn 10 ngàn nhờ vào các đơn đặt hàng dồn dập từ nhà máy Samsung ở Huệ Châu. Tình cảnh bây giờ hết sức tệ hại khi số công nhân giảm còn 3 ngàn nhưng mỗi tháng họ chỉ làm khoảng 2 tuần, mỗi ngày vài tiếng để duy trì dây chuyền.

Số đơn hàng ngày càng ít buộc Janus phải bán lại nhà máy ở Đông Hoản, thành phố gần Huệ Châu, cho một công ty khác.

“Ít nhất 100 công ty sẽ đóng cửa trong thời gian tới bởi không thể hoạt động vì không có nhà máy Samsung. Các công ty lớn còn chết thì nói gì tới những hàng quán xung quanh nhà máy”, ông Liu Kaiming, một chuyên gia kinh tế nhìn nhận.

Samsung đóng cửa nhà máy, thành phố Trung Quốc như thành phố ma - Ảnh 2.

Samsung có 2 nhà máy lắp ráp điện thoại ở Trung Quốc là Huệ Châu và Thiên Tân. Cả hai đều đã đóng cửa khi tập đoàn Hàn Quốc quyết định chuyển dây chuyền sang nước khác để né thuế quan Mỹ áp lên hàng Trung Quốc – Ảnh chụp màn hình SCMP

Giá nhà tuột dốc sau một đêm

ó khoảng 100 chung cư từ 6 đến 7 tầng được xây dựng chỉ để công nhân Samsung Huệ Châu thuê. Ngay sau khi nhà máy đóng cửa, giá nhà tại đây lập tức trượt dốc không phanh chỉ sau một đêm nhưng chẳng còn được bao nhiêu người quan tâm mua bán.

Một người dân địa phương kể trước đây khu vực này rất nhộn nhịp do có rất đông công nhân. “Giờ thì trông nó như thị trấn ma vậy, nhà cửa quán xá đều tắt đèn tối thui và trống rỗng”.

“Nói nghe hơi quá nhưng mỗi cửa hàng ở đây, từ nhà thuốc đến siêu thị, nhà hàng, cửa hàng tiện lợi, quán cà phê internet, nhà cho thuê, khách sạn và thậm chí cửa hàng dành cho người lớn đều sống nhờ vào nhà máy Samsung và các công nhân của nó”, ông Li Hua – chủ một cửa hàng tiện lợi gần nhà máy, nhận xét.

Nhiều người ở Huệ Châu, kể cả giới lãnh đạo, đang nhớ lại thời hoàng kim khi có Samsung. Một số chuyên gia nhìn nhận bài học từ Huệ Châu cho thấy sự phát triển phụ thuộc vào 1 tập đoàn duy nhất thường không bền vững, đôi khi phải trả giá đắt.

Năm 2017, nhà máy ở Huệ Châu sản xuất hơn 62,57 triệu chiếc điện thoại di động để xuất khẩu, đem về nguồn ngoại tệ hơn 15 tỉ USD cho Huệ Châu, đưa địa phương này lọt vào tốp những địa phương xuất khẩu hàng đầu Trung Quốc.

Năm 2018, nhà máy Samsung vẫn đóng góp đáng kể cho Huệ Châu, đem về 16,29 tỉ USD xuất khẩu. Tuy nhiên, bước sang năm 2019, khi thương chiến Mỹ – Trung bước vào giai đoạn căng thẳng, tình hình chuyển biến theo chiều hướng xấu.

Theo dữ liệu hải quan Huệ Châu, vào tháng 10 năm nay, tháng đầu tiên sau khi nhà máy Samsung đóng cửa, xuất khẩu của Huệ Châu đã giảm xuống còn 2 tỉ USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Giờ tôi chỉ mong lãnh đạo Huệ Châu kéo được doanh nghiệp nào đó có khoảng 2 hoặc 3 ngàn công nhân về đây càng sớm càng tốt. Như vậy mới chúng tôi có cái mà sống qua ngày”, bà chủ nhà hàng họ Li tỏ ra ngao ngán.

Theo BẢO DUY

https://tuoitre.vn/samsung-dong-cua-nha-may-thanh-pho-trung-quoc-nhu-thanh-pho-ma-20191211211533044.htm

23,164 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Hộp thư góp ý

Cổng thông tin Chuyển đổi số Bình Thuận

Chuyển đổi số

Liên kết website

Thông tin cần biết