Liên bộ “dùng dằng” vụ Asanzo

Mặc dù theo chỉ đạo, ngày 30-10, liên bộ phải làm rõ, có báo cáo kết luận cuối cùng với Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, xem Asanzo có vi phạm hay không, nhưng tại cuộc “mổ xẻ” sáng nay, các bên vẫn còn dùng dằng, tranh cãi, chưa ngã ngũ.
Sáng nay 28-10, tại Hà Nội, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã tổ chức cuộc gặp gỡ với hàng loạt bộ, ngành liên quan để lấy ý kiến về những vi phạm của Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo, đồng thời công bố những kết quả điều tra ban đầu về những sai phạm của tập đoàn này. 
Liên bộ "dùng dằng" vụ Asanzo ảnh 1             Cuộc họp của liên bộ sáng nay 28-10 vẫn chưa làm rõ được Asanzo có phạm tội hay không?

Chủ trì buổi họp là ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan, Ủy viên Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, với sự tham dự của đại diện nhiều cơ quan như Bộ Công thương, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam… 

Báo cáo về sai phạm của Asanzo, ông Nguyễn Văn Cẩn cho biết, Asanzo đã giả mạo xuất xứ các lô hàng hóa, trong đó gồm cả những lô hàng tiêu thụ trong nước và hàng xuất đi nước khác.

Vì vậy, Tổng cục Hải quan cho rằng, công ty này đã “lừa dối người tiêu dùng”, bởi quy trình lắp ráp các sản phẩm của Asanzo không như quảng cáo. Cụ thể, hoạt động lắp ráp tivi, điều hòa nhiệt độ, máy xay sinh tố… của công ty này đều diễn ra trên các bàn thủ công, không có dây chuyền hiện đại.

Asanzo không tự sản xuất mà chủ yếu nhập linh kiện từ các doanh nghiệp trong nước rồi lắp ráp thủ công để tạo thành hàng hóa hoàn chỉnh, bán ra thị trường. Các sản phẩm mà Asanzo gắn mác là “made in Vietnam” thực tế có hàm lượng giá trị gia tăng chỉ chiếm 1-2%, nên không thể gọi là sản phẩm “made in Vietnam”. 

Bởi vì những linh kiện này lại chủ yếu được một số doanh nghiệp đối tác nhập khẩu từ Trung Quốc rồi bán lại cho Asanzo.

Song, bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại thuộc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam – VCCI lại cho rằng, tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng 98% nhập khẩu, 2% sản xuất trong nước mà Tổng cục Hải quan đưa ra khi báo cáo về các sản phẩm của Asanzo cần phải được làm rõ là của tất cả sản phẩm hay chỉ một số mặt hàng cụ thể.

Lý lẽ mà bà Hương nêu ra là, nếu tỷ lệ trên mà đem áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu thì có thể xem là không phải hàng “made in Vietnam”, nhưng khi xem xét với góc độ hàng sản xuất, lưu thông tại Việt Nam thì hiện nay chúng ta vẫn chưa có quy định cụ thể.

Mổ xẻ về trách nhiệm, đại diện Bộ Công thương cũng cho rằng, việc cấp Giấy chứng nhận “Hàng Việt Nam chất lượng cao” cho tập đoàn Asanzo là trách nhiệm của Hội doanh nghiệp chất lượng cao TPHCM chứ không phải của Bộ Công thương.

Hiện nay, vấn đề mà dư luận đang rất quan tâm là Asanzo có trốn thuế hay không, nếu có thì mức độ như thế nào? Tại cuộc họp, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, ông Lại Anh Tuấn cho rằng, Asanzo chỉ có dấu hiệu trốn thuế (không xuất hóa đơn bán hàng, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, sử dụng hóa đơn có giá trị ghi cao hơn thực tế), chứ chưa đủ căn cứ xác định các công ty thuộc Asanzo có phạm tội hay không. Do đó, chưa đủ căn cứ xác định Asanzo phạm tội, để làm rõ thì phải có cơ quan điều tra vào cuộc. 

Theo VĂN PHÚC

https://www.sggp.org.vn/lien-bo-dung-dang-vu-asanzo-625122.html

11,700 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Hộp thư góp ý

Cổng thông tin Chuyển đổi số Bình Thuận

Chuyển đổi số

Liên kết website

Thông tin cần biết